Vậy cha mẹ và cô giáo đóng vai trò quyết định giúp bé chuẩn bị về tâm lý và dinh dưỡng tốt nhất cho giai đoạn rất quan trọng này.
Chuẩn bị thể chất cho bé để có thể xa nhà
Việc cho bé đi học vừa là niềm vui vừa là nỗi lo lắng của các ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi đi mẫu giáo - từ 3 đến 6 tuổi - giai đoạn tăng trưởng chiều cao và cân nặng cũng như phát triển trí tuệ. Có thể nói, đây không chỉ là giai đoạn khó khăn đối với không ít các bậc phụ huynh mà còn là bước chuyển biến đặc biệt của trẻ khi bước vào môi trường mới lạ với các chế độ sinh hoạt, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng có thể sẽ khác với những gì bé nhận được ở nhà.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Trí Đức 1, Q.Tân Phú, TP.HCM thì phụ huynh nên liên hệ với nhà trường trước khi đưa bé đến lớp nhằm nắm rõ môi trường sống mới mà bé sẽ hòa nhập để: biết chế độ sinh hoạt trong một ngày của bé ở trường mầm non; Biết về thời gian hoạt động của bé; Giờ giấc sinh hoạt học tập, ăn ngủ, vui chơi... để giúp bé chuyển đổi lịch sinh hoạt tại gia đình dần dần vào nếp của trường. Chính sự hòa nhập nhanh sẽ giúp bé trong việc ăn uống dễ dàng hơn. Đảm bảo giấc ngủ cho bé ở môi trường mới, giúp bé ngủ ngon và vượt qua tiềm ẩn nỗi lo sợ vô hình khi ở một nơi xa lạ. Vì thế, chúng ta cần cho trẻ có đủ thời gian để điều chỉnh sự thay đổi "đáng sợ" kia. Phụ huynh cùng tham quan lớp học với bé trong tuần đầu, cùng cô chăm sóc bé, trao đổi về các thói quen của bé như ngủ ôm gối, gác chân lên gối.... Khi phụ huynh được nhìn thấy cách chăm sóc sinh hoạt trong lớp, từ đó phụ huynh và giáo viên cùng giúp trẻ tự điều chỉnh mình dần thích nghi môi trường mới.
Những ngày đầu đến trường, cho bé mang theo đồ chơi nào bé thích nhất ở nhà như búp bê, gấu bông... để tạo cho bé cảm giác an toàn, thân quen khi bé ôm khư khư đồ chơi đó. Không nên bỏ bé cả ngày, buổi trưa phụ huynh tranh thủ ghé lại thăm con, còn buổi chiều thì đón bé sớm.
Đáng lưu ý là phụ huynh cần theo dõi chế độ dinh dưỡng tại trường, các loại thực phẩm giàu năng lượng, cách chế biến, cách tổ chức ăn giữa các buổi qua bản tin tuyên truyền của trường hoặc hỏi trực tiếp giáo viên để dần dần tập cho trẻ có chế độ ăn phù hợp và đảm bảo vệ sinh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho trẻ tại gia đình. Cô giáo đóng vai trò quyết định trong việc giáo dục dinh dưỡng" cho bé như: tạo môi trường, không khí vui vẻ, tâm lý thoải mái khi ăn, chẳng hạn: chú ý cách bài trí thức ăn sao cho sinh động, giới thiệu từng loại thức ăn với các màu sắc khác nhau, đem lại sự bổ dưỡng cho cơ thể thế nào... để bé cảm thấy thích thú và tò mò khám phá các loại thức ăn ngon và bổ dưỡng. Khi đã cảm thấy ở trường an toàn như ở nhà, bé sẽ thích đến với cô giáo, bạn bè.
Chăm sóc bé bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giai đoạn 3-7 tuổi - thời điểm các bé bắt đầu đi mẫu giáo. Các bé sẽ vận động nhiều hơn. Vậy để trẻ giai đoạn này nhận được đủ chất, người nuôi trẻ (phụ huynh và cô giáo) cần chú ý đến việc đảm bảo cung cấp cho trẻ đủ 3 nhóm thức ăn: nhóm thức ăn vận động (gồm các chất bột đường, dầu mỡ...), nhóm thức ăn xây dựng (gồm các thức ăn giàu đạm như thịt, cá, sữa...) và nhóm thức ăn bảo vệ (gồm các loại rau, trái cây... cung cấp vitamin và khoáng chất).
Trong giai đoạn đặc biệt này, phụ huynh và nhà trường cần chọn các loại thức ăn và sữa có hàm lượng canxi cao và được bổ sung phosphor, vitamin D với tỷ lệ thích hợp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng của trẻ, giúp trẻ phát triển tối đa chiều cao và xương.