Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1
Thứ ba - 16/05/2017 16:41
“ Nâng cao năng lực giúp đỡ trẻ trong các hoạt động chăm sóc giáo dục (mầm non); hoạt động học, hoạt động NGLL (ở tiểu học) nhằm tạo tâm thế tự tin, thích nghi và đáp ứng yêu cầu học tập của cấp tiểu học”
Để tạo tiền đề, cơ sở vững chắc cho trẻ mầm non chuyển sang giai đoạn mới đầy hào hứng, mong chờ không bỡ ngỡ trước sự mới lạ xung quanh. và nhu cầu của phụ huynh đặt niềm tin vào trường mầm non, mong muốn nơi đây trang bị cho con em mình về kiến thức lẫn tinh thần để trẻ tự tin bứơc vào lớp 1. Để trang bị đầy đủ những kiến thức cho trẻ ở cuối bậc mầm non, giáo viên và phụ huynh cần dạy cho trẻ những gì phù hợp với trẻ có thể tự nhiên và toàn diện.
Chúng ta thường xuyên gần gũi, trò chuyện để trẻ mạnh dạn. Xác định lứa tuổi để cho trẻ biết trẻ là học sinh lớn nhất ở trường MN nhưng khi lên tiểu học trẻ là học sinh nhỏ nhất để từ đó có thể giúp trẻ có thái độ đúng đắn trong cư xử giao tiếp.
Để các cháu 5- 6 tuổi bước vào lớp, trẻ cần được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi học – hay còn gọi là "độ chín muồi". Vì thế một trong những yêu cầu quan trọng để giúp trẻ vào học tốt chương trình tiểu học giáo viên mầm non cũng như gia đình cần chuẩn bị cho trẻ:
* Về mặt thể chất: "Một tâm hồn minh mẫn trong một cơ thể cường tráng", thật vậy một điều kiện quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh là thể lực. Thể lực phát triển tốt tạo điều kiện thuận lợi cho những tư chất, những yếu tố sinh học với tư cách là tiền đề vật chất của sự phát triển nhân cách.
- Chuẩn bị về mặt thể lực cho trẻ không đơn thuần là sự chuẩn bị về lượng phát triển chiều cao và trọng lượng cơ thể mà còn là sự chuẩn bị về chất, năng lực làm việc bền bỉ, dẻo dai, có khả năng chống lại sự mệt mỏi của thần kinh, cơ bắp, độ khéo léo của bàn tay, tính nhanh nhạy của các giác quan ..... Để có được phẩm chất đó, cần tạo một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập,..... cho trẻ một cách khoa học và hợp lý cả về thời gian cũng như phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ.
* Về mặt trí tuệ: Giáo dục mầm non có một ý nghĩa quan trọng đối với việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học cũng như tập cho trẻ làm quen với những sinh hoạt gần gũi với hoạt động học tập.Vì vậy trẻ cần phải có sự rèn luyện về các thao tác trí tuệ, có sự hiểu biết vể bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, các biểu tượng về thời gian, không gian đồng thời có kỹ năng thực hiện hoạt động trí óc như biết so sánh, phân tích, tổng hợp.
Trẻ cần được quan tâm để phát triển về:
+ Khả năng nhận thức : Đây là những hiểu biết nhất định của trẻ về các sự vật, hiện tượng xung quanh như nắng, mưa, nóng, lạnh, thứ bậc trong gia đình,....
+ Khả năng hình dung qua các biểu tượng: Biểu tượng là những hình ảnh của các sự vật hiện tượng mà trẻ hình dung được ở trong đầu mỗi khi được nhắc đến. Ví dụ khi ta nói ô tô trẻ sẽ hình dung được ở trong đầu rằng đó là cái gì, dùng để làm gì.
+ Kỹ năng hoạt động trí óc: Đây là những hành động trí óc đơn giản như so sánh sự giống nhau hay khác nhau của 2 hay nhiều sự vật, hiện tượng, đối chiếu về kích thước hỏi và thử trả lời, đếm,....
+Khả năng định hướng trong không gian và thời gian: Đây cũng là một biểu hiện của sự phát triển trí tuệ, trẻ biết xác định được không gian trên, dưới, trước, sau, phải, trái và thời gian như sáng, trưa, chiều, tối, hôm qua, hôm nay,.... Là điều kiện cần thiết để trẻ tiếp thu, lĩnh hội chương trình học tập ở trường phổ thông.
* Về tình cảm – xã hội: Sự phát triển các mặt tình cảm – xã hội là tiền đề quan trọng cho việc học và phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Chính việc phát triển tính tự tin, tự trọng, thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập; khả năng tập trung, chấp hành những qui định chung và sự chỉ dẫn của người lớn (phù hợp với lứa tuổi của trẻ) là vô cùng thiết yếu giúp trẻ học tập tốt ở trường phổ thông sau này. Khi trẻ tự tin vào chính bản thân mình, trẻ sẽ học được cách chủ động độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ đến cùng. Vì vậy hãy để trẻ tự làm và người lớn chúng ta là khích lệ trẻ.
Gia đình cần phải làm gì ?
- Giúp cho trẻ ý thức về bản thân như đặt các câu hỏi để kích thích trẻ biểu lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình thông qua tranh ảnh, hình vẽ, thơ, chuyện. Khuyến khích trẻ tự tổ chức các trò chơi, đặc biệt là trò chơi phân vai theo chủ đề. Hướng dẫn cho trẻ có thói quen tự phục vụ bản thân.
- Giúp trẻ tự lựa chọn và tham gia các hoạt động chơi nhằm phát triển tính tự tin, tự lực và sáng tạo của trẻ.
- Nhắc nhở trẻ ý thức và thái độ cư xử phù hợp đối với người thân trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác,.....
- Về mặt ngôn ngữ: Tất cả những nội dung, kiến thức nói cho đến cùng đều phải thông qua tiếng mẹ đẻ. Vì vậy việc chuẩn bị cho trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hàng ngày là việc quan trọng nhất để chuẩn bị cho trẻ vào lớp một.
- Trẻ có ngôn ngữ mạch lạc phát triển tốt, thì đồng thời các quá trình tâm lý như tư duy, tưởng tượng, trí nhớ, tri giác,.... của trẻ cũng phát triển tốt.
- Tìm cách phát triển ở trẻ khả năng sử dụng ngôn ngữ trong cuộc sống hàng ngày một cách phong phú; hình thành một số kỹ năng chuẩn bị cho việc đọc, viết, thông qua các hoạt động sinh hoạt, học tập, vui chơi, các buổi tham quan, mở rộng vốn từ về thế giới xung quanh, tập cho trẻ biết diễn đạt một cách rõ ràng, mạch lạc, không nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí.
* Một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập như kỹ năng “Nghe , Nói , Đọc , Viết.”
Nghe :
+ Nghe hiểu giao tiếp thông thường
+ Nghe và làm theo lời chỉ dẫn
Nói :
+ Khả năng phát âm to, rõ ràng
+ Trả lời được các câu hỏi thông thường
Đọc:
+ Nhận biết hướng đọc
+ Đọc một cách rõ ràng, mạch lạc, không nói ngọng, nói lặp, đọc lí nhí, phát âm phải đúng chính xác
Viết:
+ Nhận biết được hướng viết
+ Hiểu được mối quan hệ giữ lời nói và chữ viết
+ Nhận biết được chữ cái , từ
+ Phân biệt được sự giống nhau qua thị giác
+ Tư thế ngồi .
Ngoài những hoạt động học ra cần:
- Tổ chức gợi ý cho trẻ tham gia vào hoạt động trực nhật lớp, biết thỏa thuận phân công trực nhật, có ý thức tự giác giúp đỡ nhau cùng thực hiện.
- Hình thành trẻ có thói quen lao động tự phục vụ, tự mang giày dép, thay và xếp quần áo gọn gàng....Hình thành các kỹ năng, kỹ xảo đồng thời phát triển các tố chất mạnh, bền, khéo léo, và một thể lực để giúp trí tuệ trẻ phát triển tốt. Trước khi trẻ tham gia các hoạt động phải cho trẻ thảo luận, thoả thuận vai chơi, phân công thực hiện. Tạo điều kiện cho trẻ có khả năng hợp tác, biết chia sẻ để hình thành tính tập thể, phát triển ngôn ngữ
- Chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo trước khi vào lớp 1 được tiến hành thường xuyên, từ thấp đến cao từ đơn giản đến phức tạp thông qua các trò chơi hay các họat động hấp dẫn mà trẻ yêu thích. Cần tránh nôn nóng, áp đặt, ép buộc trẻ học trước vì điều đó dễ gây ra cho trẻ những chán nản, chủ quan, chểnh mảng dẫn đến tiêu diệt hứng thú học tập ngay từ những buổi học ban đầu và gây ra không ít những khó khăn cho giáo viên tiểu học trong việc khắc phục, uốn nắn những hậu quả sai lầm mà trẻ đã mắc phải.
- Để đáp ứng những yêu cầu trên đòi hỏi khi chuyển tiếp giữa mầm non và tiểu học phải đảm bảo sự kế thừa, tính khoa học, những kiến thức đã được hình thành ở lứa tuổi mầm non cần phải được củng cố và mở rộng, hoàn thiện ở mức độ cao hơn giúp trẻ không bị những thay đổi đột ngột khi chuyển hoạt động chủ đạo từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập trong nhà trường phổ thông. Chính vì thế việc chuẩn bị tốt cho trẻ về thể chất, tâm lý từ tuổi mẫu giáo là yêu cầu quan trọng giúp trẻ thích ứng tốt với việc học tập ở bậc học phổ thông.
Để tạo điều kiện tốt cho sự chuyển tiếp giữa 2 bậc học, hiệu trưởng MN và hiệu trưởng TH cần có kế họach cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi được thăm quan, môi trường ở tiểu học, gặp giáo viên và giao lưu với học sinh tiểu học đó cũng là một trong những điều kiện tạo tấm thế tự tin thích nghi với môi trường tiểu học khi bước vào lớp 1./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hường
Nguồn tin: mamnondienquang.dienchau.edu.vn
Đăng ký thành viên